Sự nghiệp Nguyễn_Thiện_Nhân

Tham gia quân ngũ

Chịu ảnh hưởng của thân phụ, một bác sỹ quân y đang công tác tại chiến trường B2. Sau khi tốt nghiệp cấp 2 trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, Nguyễn Thiện Nhân nhập học Trường Văn hoá quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.

Tháng 6 năm 1970, Nguyễn Thiện Nhân tình nguyện nhập ngũ, với nguyện vọng đơn giản là được trở về Nam tiếp nối cuộc đời binh - nghiệp của cha mình. Nguyễn Thiện Nhân đã thi đạt điểm cao vào Trường Đại học Quân y. Sau 1 năm học đại cương, đạt loại giỏi của Trường, năm 1972, ông được Quân đội cử đi du học tại Cộng hòa Dân chủ Đức và phân công học tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg (tiếng Đức: Technische Hochschule Magdeburg),[9] Năm 1977, ông được phong quân hàm Thiếu úy. Với kết quả học tập đạt loại ưu tại trường, ông đã được làm nghiên cứu sinh chuyển tiếp. Năm 1979, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ ngành Điều khiển học.[10][11]

Cuối năm 1979 về nước, ông làm nghiên cứu viên tại Viện Vũ khí có điều khiển thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ quốc phòng (nay là Viện Tên lửa thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự) cho đến năm 1983.[12]

Cũng trong năm 1980, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.[13] Ông được phong quân hàm Trung úy (năm 1980), Thượng úy (năm 1982).

Hoạt động trong lĩnh vực giáo dục

Tháng 3 năm 1983, Nguyễn Thiện Nhân chuyển ngành, làm giảng viên tại Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1985, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, Trưởng ban Khoa học Kỹ thuật Thành đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn.[14]

Tháng 4 năm 1985 đến tháng 7 năm 1988: Nguyễn Thiện Nhân là Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn, Trưởng ban Khoa học – Kỹ thuật rồi Phó Bí thư Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh.

Năm 1988, ông được điều động trở lại Cộng hòa Dân chủ Đức làm việc trong Đại sứ quán Việt Nam với vai trò tùy viên giáo dục; rồi theo học về kinh tế thị trường tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg.[12] Nguyễn Thiện Nhân là người nước ngoài đầu tiên được mời giảng 1 chuyên đề về "cạnh tranh" cho sinh viên kinh tế năm thứ 2 tại Khoa kinh tế doanh nghiệp của Trường năm 1989.

Năm 1991, về nước, ông tiếp tục giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh,[15] ông giữ chức Phó Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý Công nghiệp.

Năm 1993, Nguyễn Thiện Nhân sang Hoa Kỳ du học chương trình Thạc sĩ Quản trị Công cộng (tiếng Anh: Master of Public Administration), chuyên ngành Tài chính công (tiếng Anh: Public Finance), tại Viện Đại học Oregon, theo chương trình học bổng Fulbright; khóa đào tạo Chuyên gia Thẩm định Dự án Đầu tư tại Viện Đại học Harvard. Quá trình du học ở nước ngoài này cùng với quá trình học tập trước đó đã giúp cho ông thu được nhiều kinh nghiệm và được đánh giá cao về kinh nghiệm quản lý kinh tế.[8][16]

Từ năm 1995 đến năm 2012: Nguyễn Thiện Nhân đã học 4 khóa đào tạo khác nhau tại Đại học Harvard, Mỹ.

Năm 1995, ông trở về Việt Nam làm giảng viên, chủ nhiệm Khoa Quản lý Công nghiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời làm Trợ giảng môn Kinh tế Vĩ mô tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Năm 1996, ông được phong học hàm phó giáo sư ngành Kinh tế.

Chuyển sang công tác chính trị

Năm 1997, Nguyễn Thiện Nhân được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, và được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa X.[4]

Từ 1999 - 2006, ông là Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Khóa VI, Phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 5 năm 2001).

Từ tháng 5 năm 2001 đến tháng 6 năm 2006: Nguyễn Thiện Nhân là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh; Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và Công nghệ quốc gia. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Nguyễn Thiện Nhân được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 11 năm 2002, ông được phong học hàm giáo sư ngành Kinh tế.

Năm 2012, Nguyễn Thiện Nhân đã được Tổng thống Đức tặng Huân chương Đại công trạng của Đức do đóng góp to lớn vào phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam và Đức.

Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X (1997-2002) Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Thiện Nhân từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X nhiệm kì 1997 - 2002 thuộc đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP Hồ Chí Minh, ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.[17]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày 28 tháng 6 năm 2006, Nguyễn Thiện Nhân được đề cử cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thay Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển xin miễn nhiệm. Về mặt Đảng, ông được phân công làm Bí thư Ban Cán sự đảng của Bộ.

Ngay từ lúc nhậm chức, ông đã đề ra chính sách cải cách nền giáo dục Việt Nam với tiêu chí: "chống bệnh thành tích trong học tập và tiêu cực trong thi cử", "xây dựng một phương pháp học sáng tạo, thực chất, học là phải dùng được", "đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới".

Mở đầu năm học 2006 - 2007, Nguyễn Thiện Nhân thực hiện cuộc vận động hai không: "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích"[18] bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước phải làm theo.

Năm 2007 là năm ngành giáo dục Việt Nam chứng khiến nhiều vụ việc gây chú ý lớn trong dư luận xã hội với mức độ cao: vụ "hacker" Bùi Minh Trí tấn công trang chủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vụ Huỳnh Thị Ngọc Trâm (nữ sinh hoảng loạn vì bị ép cung trong nghi án 47.800 đồng);[19] các vụ chạy điểm thành tích[20] bị bóc trần và xử lý nghiêm khắc,[21] thậm chí tiêu cực còn lan đến tận Bộ[22] và tới cả các cán bộ cấp cao,...[23]

Ông đưa ra khẩu hiệu cho năm học 2007 - 2008 là "năm không"[24] gồm: "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc "ngồi nhầm lớp" (cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp) và (dành cho các bậc đào tạo sau trung học) đào tạo không theo nhu cầu xã hội"; đẩy mạnh công cuộc "xã hội hóa giáo dục" nhằm "Huy động tổng thể sức mạnh của toàn xã hội phát triển giáo dục và đào tạo".[25]

Tác dụng của chính sách mới xuất hiện ngay cuối năm học, ở kỳ thi tốt nghiệp trung học: chỉ tính riêng hệ trung học phổ thông kỳ thi lần một chỉ có 67,5% đỗ tốt nghiệp[26] (thậm chí có trường không đỗ học sinh nào)[27] thêm cả lần hai là 80,38%;[28] hệ trung học bổ túc cả hai đợt là 46,26%[28] so với năm học 2005-2006; trung học phổ thông: 92%[26] trung học bổ túc: 74,6%[29]. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2008 đã diễn ra thành công với kết quả đỗ cao hơn năm trước: tỷ lệ đỗ khoảng 76%.[30] Dư luận xã hội Việt Nam nhìn chung là chấp nhận điều này[31] và chỉ đặt ra nhiều câu hỏi về thực chất giáo dục Việt Nam[32]. Tuy nhiên, cũng có chỉ trích cách làm của ông Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng việc ông cho tổ chức cho ôn tập và thi tốt nghiệp lần 2 là quá tốn kém (khoảng 122 tỷ đồng[33]) và hiệu quả không cao[34], thậm chí giáo sư Hoàng Tụy còn cho rằng kỳ thi này chỉ mang tính hình thức.[35]

Dư luận nhìn chung là ủng hộ những chính sách của ông Nguyễn Thiện Nhân, nhưng cũng có một số bộ phận không đồng tình.[36]

Đầu năm 2008, Nguyễn Thiện Nhân đệ trình chính phủ về việc tăng học phí cho giáo dục bậc đại học,[37] tăng trách nhiệm tự chủ tài chính cho các trường đại học.[37] Ngoài ra, ông còn nhắc lại một lần nữa về công tác nâng cao chất lượng giáo dục đại học,[38][39] điều mà ông đã đề cập khi mới nhận chức. Lý do chính của việc tăng học phí là để đáp ứng sự thiếu hụt ngân sách Nhà nước và tăng chất lượng đào tạo.[40] Nhiều ý kiến thắc mắc về biện pháp này và tính minh bạch công khai trong tính toán về chi phí đại học.[41][42]

Nguyễn Thiện Nhân cũng là người được hậu thuẫn, ủng hộ, tán đồng và kỳ vọng nhiều từ phía lực lượng giáo viên đông đảo của cả nước khi đã từng mạnh miệng tuyên bố vào ngày 17 tháng 11 năm 2006, trong buổi gặp gỡ 13 nhà giáo nhân dân vừa được phong tặng danh hiệu, và một số giáo sư ở khu vực phía Bắc đại diện 44 giáo sư mới được công nhận chức danh năm 2006, rằng Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.[43] Tuy nhiên, đến năm 2010 khi ông rời khỏi chức vụ Bộ trưởng, lương của giáo viên vẫn ở mức khiêm tốn.[44]

Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII tỉnh Bắc Giang

Tháng 5 năm 2007, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII nhiệm kì 2007 - 2011 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang, kiêm chức Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.[45]

Giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam

Ngày 2 tháng 8 năm 2007 Nguyễn Thiện Nhân được Quốc hội Việt Nam khóa XII phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm chức Bộ trưởng.[46][47]

Vai trò phó thủ tướng chính phủ của ông bắt đầu rõ nét dần trong thời gian từ cuối năm 2007, với các hoạt động: về văn hóa của một số địa phương, như là Thành phố Hồ Chí Minh[48], Đà Nẵng[49], Đà Lạt[50]; ngành thể dục thể thao Việt Nam[51]; phong cấp giáo sư và phó giáo sư[52]; đưa ra kế hoạch phát triển ngành công nghệ thông tin Việt Nam[53][54]; các vấn đề xã hội[55][56]; sắp xếp nhân sự trong ngành giáo dục[57],...

Ngày 2 tháng 4 năm 2010, báo điện tử VietNamNet đưa tin trong thời gian chờ Quốc hội bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thay thế, ông được Thủ tướng đồng ý tạm thời cho thôi điều hành Bộ Giáo dục và Đào tạo để tập trung cho nhiệm vụ Phó Thủ tướng; người được giao nhiệm vụ Phụ trách điều hành Bộ Giáo dục và Đào tạo là Thứ trưởng Thường trực Phạm Vũ Luận [58]. Ngày 17 tháng 6 năm 2010, Quốc hội chính thức miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng của ông.

Ngày 21 tháng 6 năm 2011, Nguyễn Thiện Nhân được bổ nhiệm là Trưởng ban Ban chỉ đạo về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đầu năm 2013, ông được giao phụ trách ngăn chặn gia cầm nhập lậu[59].

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ngày 5 tháng 9 năm 2013 tại Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bầu Nguyễn Thiện Nhân vào Đoàn Chủ tịch, Ban thường trực Mặt trận và giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII.[60] Khi được hỏi là việc luân chuyển này có lãng phí người tài hay không, chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời là việc này đã được cân nhắc rất kỹ.[61]

Ngày 17 tháng 11 năm 2013, tại lễ tuyên dương 160 giáo viên tiêu biểu, ông đã "lặng người xấu hổ" và bày tỏ mong muốn các thầy cô hãy dấn thân hơn.[62]

Cuối tháng 11 năm 2013, Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu một đoàn đại biểu cấp cao qua thăm Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc.[63]

Tại Hội nghị Hiệp thương lần 1 bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV Nguyễn Thiện Nhân được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc tổ chức vào ngày 16.2.2016, trong phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thiện Nhân nói:"Đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu tăng số lượng đối với cơ cấu đại biểu Quốc hội là người ngoài đảng"[64]

Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII tỉnh Bắc Giang

Nguyễn Thiện Nhân từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII nhiệm kì 2011 - 2016 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang, kiêm chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII (tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 6 khóa VII, ông được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII).[65]

Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016-2021) tỉnh Trà Vinh

Năm 2016, ông ứng cử và trúng cử đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV ở đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Trà Vinh (gồm thị xã Duyên Hải và các huyện: Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải),[66] được 364.988 phiếu, đạt tỷ lệ 84,87% số phiếu hợp lệ.

Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016-2021) Thành phố Hồ Chí Minh

Sau đó, Nguyễn Thiện Nhân chuyển về thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5 năm 2017.

Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã bầu ông làm Trưởng đoàn vào 11h trưa ngày 23 tháng 5 năm 2017 thay ông Đinh La Thăng. Ông Đinh La Thăng vốn là đại biểu quốc hội ứng cử và trúng cử năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 9, thành phố Hồ Chí Minh (gồm các huyện: Củ ChiHóc Môn), bị kỉ luật và chuyển đi làm đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa.[67]

Sáng ngày 25 tháng 6 năm 2017, Nguyễn Thiện Nhân có buổi tiếp xúc cử tri lần đầu tiên ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.[68]

Theo lời Nguyễn Thiện Nhân sáng ngày 14 tháng 5 năm 2018 thì ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 đại diện cho người dân các huyện Hóc MônCủ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ông hứa sẽ đi tiếp xúc cử tri tất cả các quận huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh[69]

Tại buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Bình Chánh ngày 14 tháng 5 năm 2018 trước kì họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, Nguyễn Thiện Nhân hứa sau kì họp thứ 5 sẽ gặp gỡ người dân bị giải tỏa nhà ở và đất đai để xây khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2.[70]

Sau kì họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, vào lúc 14h30 chiều ngày 20 tháng 6 năm 2018, Nguyễn Thiện Nhân đã giữ lời hứa tiếp xúc với cử tri khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2 cùng với Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phan Nguyễn Như Khuê, và Trịnh Ngọc Thúy.[71][72]

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 10 tháng 5 năm 2017, Nguyễn Thiện Nhân được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020,[73] thay thế Đinh La Thăng - người bị kỷ luật vì những vi phạm nghiêm trọng tại Tập đoàn dầu khí nhưng sau đó vẫn được phân công làm Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Trong lời phát biểu nhậm chức, ông nói: "Hôm nay là một ngày rất đặc biệt đối với bản thân tôi, được trở về với thành phố lần thứ 2, được sự tin cậy giao nhiệm vụ của Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ".

Tối ngày 17 tháng 10 năm 2020, Nguyễn Văn Nên được bầu làm Bí thư Thành uỷ TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025 thay thế cho Nguyễn Thiện Nhân. Ông Nguyễn Thiện Nhân được phân công theo dõi, chỉ đạo Thành ủy TP HCM sau Đại hội Đảng bộ TP HCM khoá XI cho đến khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc khoá XIII (dự kiến diễn ra vào tháng 1 năm 2021).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn_Thiện_Nhân http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nu-sinh-bi-ho... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-nguyen-th... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-nguyen-th... http://www.channel2.org/nbr/vietnam/transcript2.ht... http://www.worldcat.org/oclc/258185598 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/07/0907... http://www.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=33,1281... http://dantri.com.vn/xa-hoi/ong-nguyen-thien-nhan-... http://www22.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/... http://www.laodong.com.vn/Home/chinhtri/2006/12/16...